Một trong những nguyên nhân khiến việc thi hành án bị tồn đọng kéo dài là có nhiều trường hợp cơ quan thi hành án không thể xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của họ và người khác… Theo nhiều chấp hành viên, các quy định pháp luật liên quan đang “chỏi” nhau, làm cho họ nhát tay, không dám tự mình yêu cầu tòa phân định tài sản thuộc sở hữu chung.
Luật cho phép, luật chưa dự liệu
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy cho biết đây là một trong những khó khăn lớn của ngành THA nhưng đã có hướng tháo gỡ. Theo ông Thủy, cần phải hiểu chuyện chấp hành viên yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung là yêu cầu một việc chứ không phải khởi kiện vụ án dân sự. Bởi nếu giữa chấp hành viên và người phải THA có phát sinh tranh chấp thì mới khởi kiện vụ án dân sự, ở đây chỉ là yêu cầu tòa xác định phần tài sản để THA. Về nghiệp vụ THA thì đây là việc làm cần thiết bởi tâm lý người phải THA là luôn trốn tránh nghĩa vụ nên họ không tự chủ động hoặc yêu cầu tòa phân chia. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 đã sửa đổi theo hướng tạo cho chấp hành viên có quyền yêu cầu như trên (khoản 7 Điều 26). Tuy nhiên, vì chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ nên dẫn đến thực tế hiện nay chưa có vụ nào chấp hành viên tự đứng ra yêu cầu tòa xác định phần sở hữu của người phải THA trong khối tài sản chung cả. Cũng theo ông Thủy, sắp tới, Tổng cục THA dân sự sẽ chủ động có công văn trao đổi với TAND Tối cao để đưa ra giải pháp gỡ vướng. Theo đó, có thể Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ ban hành nghị quyết hoặc phối hợp với Bộ Tư pháp để ra thông tư liên ngành hướng dẫn cụ thể vấn đề này nhằm tạo cơ chế đầy đủ, thuận tiện cho chấp hành viên áp dụng. Nguồn: Báo PLTPHCM