Nhiều tỷ đồng ngân sách chìm” dưới hồ Thác Bà”

Một dự án hư hư thực thực với hàng chục tỷ đồng vốn được phê duyệt chóng vánh, để rồi đáp số là con số “không” cũng hiện ra chóng vánh. Không ai làm rõ nguyên nhân, không ai làm rõ trách nhiệm, nhiều tỷ đồng ngân sách và nhiều bí ẩn về vụ việc vẫn đang “chìm” dưới làn nước hồ.
Dự án thả “cá trắng bạc” .
Tháng 6/2001, Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái lập một dự án lớn về nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà. Sinh vật sẽ được nuôi, từ cái tên, đến hình dáng, kích thước, dân Yên Bái chưa ai từng được biết. Đó là cá trắng bạc, được giới thiệu nguồn gốc từ Vân Nam, Trung Quốc.
 
Theo dự án, người ta sẽ thả 40 triệu quả trứng cá này xuống hồ. Trứng nở, cá sẽ tự lớn đạt mức thương phẩm, không cần chăm bẵm. Khi đó, chỉ việc khai thác. 
Dự kiến năm 2002, khai thác 800 tấn cá; năm 2003, cũng 800 tấn; năm 2004, cũng 800 tấn nữa Vẫn theo dự án, công sản xuất – chế biến cá là 40.000đ/kg, bán ra thị trường 140.000đ/kg, mỗi tấn cá sẽ lãi 100 triệu đồng!
 
Tổng mức đầu tư của dự án này là 11 tỷ 150 triệu đồng, trong đó 3,6 tỷ đồng để mua trứng cá, còn lại là tiền đầu tư đánh bắt, chế biến, chi phí quản lý. Đây là dự án liên doanh, đối tác Trung Quốc góp 49% vốn, phía Việt Nam góp 51% vốn. Theo dự kiến, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 400 – 500 người, và hoàn vốn sau 4 năm.
 
Thực hiện dự án, Trung tâm nuôi trồng thủy sản Yên Bái (thuộc Sở NN-PTNT Yên Bái quản lý) đã thả 4 đợt trứng “cá trắng bạc” xuống hồ Thác Bà. Đợt một, ngày 1/2/2002, thả 30 triệu quả trứng cá; đợt hai, ngày 10/2/2002, thả 20 triệu quả; đợt ba, ngày 27/2/2002, thả 30 triệu quả; đợt bốn, ngày 4/9/2002, thả 32 triệu quả. Tổng cộng đã có 112 triệu quả trứng cá trị giá 1,12 triệu USD được thả xuống hồ Thác Bà.
 
Kết quả: Bạc tỷ mất trắng!
Thật kỳ lạ, sau khi hơn trăm triệu quả trứng cá được thả xuống nước, cả Trung tâm nuôi trồng thủy sản lẫn ngư dân quanh hồ Thác Bà, không một ai bắt được con cá nào có thể gọi là… “cá trắng bạc”!  Cũng không một cơ quan, cá nhân nào báo cáo về tỷ lệ trứng cá nở thành cá con bao nhiêu, cá con phát triển thành cá thương phẩm bao nhiêu. Thậm chí, nguyên nhân vì sao “cá trắng bạc” không xuất hiện trên hồ Thác Bà, cũng không được một ai kết luận.
 

Theo một nguồn tin, thì UBND tỉnh Yên Bái chỉ họp đúng một lần với các sở ban ngành trong tỉnh vào tháng 3/2003, trong cuộc họp đó mọi người cùng thống nhất xác định dự án “bị phá sản 100%”, nguyên nhân vì “rủi ro”!
 
Đến nay, không ai biết giống “cá trắng bạc” có thật trên cõi đời này không, việc thả hơn trăm triệu quả trứng giống cá này xuống hồ cũng có thật hay không. Chỉ có một sự thật là số tiền 3,32 tỷ đồng phía Việt Nam đã trả cho tư thương Trung Quốc để mua trứng cá, vay từ các nguồn vốn nhà nước, coi như bị mất (bên cạnh đó, vẫn còn nợ tư thương Trung Quốc 3,3 tỷ đồng nữa).
Nó bao gồm 1,32 tỷ đồng vay từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh; 1 tỷ đồng vay từ nguồn vốn quốc gia tạo công ăn việc làm cho người lao động; 1 tỷ đồng nữa, vay từ Cty vật tư nông nghiệp của tỉnh Yên Bái (chưa kể lãi).
 
Trong năm 2003 và 2004, UBND tỉnh Yên Bái đã lấy 1 tỷ đồng từ nguồn bán đất ở thị trấn Yên Bình, và 1,32 tỷ đồng từ vốn ngân sách, cấp cho Trung tâm nuôi trồng thủy sản Yên Bái để đơn vị này trả nợ. Hiện Trung tâm nuôi trồng thủy sản Yên Bái vẫn nợ vốn quốc gia giải quyết việc làm 1 tỷ đồng gốc và 65.833.300 đồng lãi, và nợ lãi vay của Cty vật tư nông nghiệp 198.940.400 đồng.

 
Những dấu hiệu cố ý làm trái 
Khi dự án “cá trắng bạc” được trình lên Bộ Thủy sản, Bộ đã đồng ý về chủ trương, song nhận xét dự án còn quá sơ sài, và có văn bản yêu cầu trước hết phải nuôi thử nghiệm trên cơ sở phải lập đề án khả thi và tính hiệu quả kinh tế. Thực tế thì những người đề xuất và thực hiện dự án đã không lập thêm một đề án khả thi nào, sau khi được đồng ý về chủ trương là họ lập tức mua trứng cá về thả.
 
Bản hợp đồng được ký kết với đối tác Trung Quốc cũng khá lạ lùng. Phía Việt Nam được ghi “Trung tâm nuôi trồng thủy sản Yên Bái” (pháp nhân), song phía Trung Quốc chỉ vẻn vẹn “Mr. Huang Junchun, thành phố Cá Cựu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc” (chỉ là một tư nhân, không có số thẻ căn cước cá nhân, số tài khoản, điện thoại liên hệ ).
Hợp đồng này được ký ngày 4/10/2001, trước ngày dự án “cá trắng bạc” được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt gần một tháng! Đi sâu vào việc thực hiện, lại càng lắm chuyện lạ lùng.
 
Hợp đồng ký với nhau chỉ mua và thả 40 triệu quả trứng cá xuống hồ Thác Bà, song ngay sau khi số trứng này được thả, không đợi xem cá sống chết ra sao, Sở NN-PTNT Yên Bái lập tức có tờ trình UBND tỉnh chuyển số tiền dự kiến xây dựng nhà máy chế biến cá sang việc mua thêm 60 triệu quả trứng cá nữa. Và sau khi được UBND tỉnh đồng ý (?),người ta không mua 60 triệu quả, mà mua tới 72 triệu quả trứng cá, để đổ xuống hồ.
Càng lạ lùng hơn khi xây dựng dự án thả “cá trắng bạc”, người ta đã công bố vào tháng 10/1995, Trung tâm nuôi trồng thủy sản Yên Bái đã thả thử 2,2 triệu quả trứng “cá trắng bạc” tại nhiều nơi như ao nhỏ, co ngách, hồ lớn, kết quả là “cá phát triển bình thường, tháng 4/1996 đã đánh bắt co ngách diện tích 30ha, cá trắng bạc lớn cỡ 30mm – 40mm. Riêng ngoài hồ lớn, ngư dân cũng đánh bắt được”. Những thông tin này, đến nay, đã được xác định là hoàn toàn không có cơ sở!!!
 
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trên đây (và còn nhiều sai phạm khác mà bài báo này chưa có điều kiện đi sâu phân tích) đã có dấu hiệu rất rõ của hành vi cố ý làm trái, gây thất thoát nhiều tỉ đồng của Nhà nước, song hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ. Những cá nhân phải chịu trách nhiệm, người được chuyển sang Ban Tây Bắc, người được cử đi làm Bí thư Huyện ủy, người đã về hưu.
Hiện nhân dân vùng hồ Thác Bà cũng như nhân dân toàn tỉnh Yên Bái đang hết sức bức xúc trước vụ việc nghiêm trọng này. Họ đòi hỏi phải làm rõ trách nhiệm những người sai phạm, bắt phải bồi hoàn cho Nhà nước, và phải bị xử lý thích đáng. Thanh Tra