Thủ tướng hỏa tốc yêu cầu thanh toán lương, thưởng tết cho người lao động. Để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, nhất là việc tập trung chăm lo đời sống của người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Công điện số 1170/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường lao động, kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập; từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, thông lệ các nước, bảo đảm cho thị trường lao động vận hành an toàn, ổn định, đồng bộ, hiệu quả.
Trả lương chậm bị tính lãi
Căn cứ vào Điều 94 Bộ Luật lao động năm 2019 có quy định, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn với NLĐ. Thời hạn trả lương sẽ được các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng lao động hoặc ghi nhận trong quy chế riêng của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ quy định thời hạn trả lương riêng, có nơi trả lương ngày 05 hoặc ngày 10 đầu tháng, có nơi lại trả lương ngày 15, hoặc thậm chí trả lương vào ngày cuối cùng của tháng. Các doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương cho NLĐ theo đúng thời hạn đã thỏa thuận hoặc được quy định trong quy chế mà không được chậm lương của nhân viên.
Theo Bộ Luật lao động năm 2019 chỉ cho phép doanh nghiệp được chậm lương trong 1 trường hợp duy nhất, quy định tại khoản 4 Điều 97 như sau: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Do đó, nếu như không có lý do bất khả kháng thì doanh nghiệp sẽ không được phép chậm lương của NLĐ, nếu chậm thì không được quá 30 ngày.
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động chậm lương lương nhân viên có thể bị tính thêm tiền lãi và bị xử phạt.
– Chậm lương do trường hợp bất khả kháng: Bị tính thêm tiền lãi nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, lãi chậm trả tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương.
– Chậm lương vì các lý do khác: Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 05 – 50 triệu đồng (dựa trên số lượng người lao động bị chậm lương).
Theo đó, phạt từ 05 – 10 triệu đồng nếu chậm lương của 01 – 10 người lao động; Từ 10 – 20 triệu đồng: Chậm lương của 11 – 50 người lao động; Từ 20 – 30 triệu đồng: Chậm lương của 51 – 100 người lao động; Từ 30 – 40 triệu đồng: Chậm lương của 101 – 300 người lao động; Từ 40 – 50 triệu đồng: Chậm lương của 301 người lao động trở lên.
Doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả đủ tiền lương cùng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho NLĐ.
Mức lãi chậm trả tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Thưởng sẽ được chi trả theo thỏa thuận
Đối với khoản thưởng Tết, Điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 chỉ quy định về hình thức thưởng có thể bằng tiền mặt hoặc tài sản, hoặc các hình thức khác mà không đề cập đến thời điểm trả thưởng.
Chính vì thế, việc trả thưởng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy chế nội bộ của doanh nghiệp, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung thỏa thuận và quy chế do chính doanh nghiệp đó ban hành.
Các doanh nghiệp thường trả thưởng Tết vùng với kỳ trả lương trước Tết hoặc vào một thời điểm khác thích hợp nhưng vẫn kịp để người lao động sắm Tết.
Luật Lao động năm 2019 và Nghị định 12/2022/NĐ-CP không quy định về mức phạt đối với hành vi chậm thưởng Tết. Do đó, chưa có chế tài để xử phạt doanh nghiệp vi phạm.